Võ Huỳnh Anh Khoa: VĐV khuyết tật Việt Nam đầu tiên trở thành 'Người sắt'

Thứ hai - 19/02/2024 04:38 168 0

Võ Huỳnh Anh Khoa đã đi vào lịch sử khi là VĐV khuyết tật đầu tiên của Việt Nam hoàn thành cuộc thi ba môn phối hợp (triathlon: bơi 750m; đạp xe 20km; chạy bộ 5km).

Võ Huỳnh Anh Khoa trong phần thi đạp xe tại cuộc thi ba môn phối hợp tại Phú Quốc - Ảnh: NVCC

Võ Huỳnh Anh Khoa trong phần thi đạp xe tại cuộc thi ba môn phối hợp tại Phú Quốc - Ảnh: NVCC

Anh Khoa (sinh năm 1991) là một VĐV bơi người khuyết tật của thể thao Việt Nam. Không chỉ xuất sắc trên đường đua xanh, ngày 18-11-2023 anh đã gây rúng động cộng đồng ba môn phối hợp Việt Nam khi hoàn thành nội dung cá nhân trong cuộc thi Ironman 70.3 (cuộc thi ba môn phối hợp thường được biết tới với tên gọi "Người sắt") tại Phú Quốc.

Sau 2 giờ 13 phút 45 giây đầy nỗ lực, Anh Khoa đã về đích trong sự thán phục của mọi người. Thành tích cụ thể của Khoa ở môn bơi (750m - 19 phút 20 giây), đạp xe (20km - 49 phút), chạy bộ (5km - 50 phút 57 giây).

Võ Huỳnh Anh Khoa sở hữu bảng thành tích cá nhân đồ sộ mà bất cứ VĐV thể thao nào cũng phải mơ ước. Anh đã giành được hơn 30 HCV cùng rất nhiều kỷ lục quốc gia ở 9 kỳ ASEAN Para Games (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á). Ngoài ra Anh Khoa còn giành 2 HCV châu Á trên đường bơi 100m bướm và 100m tự do hạng thương tật S9.

Anh Khoa (phải) và đồng đội thi nội dung bơi biển - Ảnh: NVCC

Anh Khoa (phải) và đồng đội thi nội dung bơi biển - Ảnh: NVCC

Chiến thắng ung thư, trở thành người hùng của thể thao Việt Nam

Võ Huỳnh Anh Khoa sinh ra là đứa trẻ khỏe mạnh, lành lặn. Năm 1997, tai ương ập tới với anh khi bị phát hiện ung thư cột sống. Đôi chân Khoa bị teo tóp rồi trở nên liệt hẳn, không đi lại được.

"Tôi bị liệt cột sống, nửa người, nằm một chỗ. Khi đi khám ban đầu không biết được ngay bệnh gì. Chỉ khi chụp MRI thì các bác sĩ phát hiện có u trên cột sống. Tôi phải nằm viện 1 năm, đeo đai bảo vệ cột sống", Khoa nhớ lại.

Chàng trai 9X phải trải qua 6 lần hóa trị, song cơ thể không có nhiều tiến triển. Bác sĩ đã khuyên Khoa tập bơi để không bị ảnh hưởng đến cột sống, đồng thời có thể giúp đôi chân cũng như cơ thể hồi phục tốt hơn.

Những ngày đầu tập bơi rất vất vả đối với Khoa. Ngày ngày, Khoa được mẹ anh cõng từ nhà ra hồ bơi và ngược lại. Quá trình kiên trì tập bơi của Khoa đã đem lại hiệu quả thần kỳ. Sau 6 tháng, Khoa đã có thể tự đi bộ đến hồ tập mà không cần mẹ cõng. Không chỉ thế, môn thể thao mà Khoa ban đầu tập với mục đích chữa bệnh đã mở ra chân trời mới. Anh trở thành kình ngư đánh bại nhiều đối thủ Đông Nam Á tại đấu trường ASEAN Para Games và là người hùng của thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Năm 2003, Anh Khoa thi đấu quốc tế lần đầu tại Giải bơi vô địch trẻ châu Á ở Hong Kong. Ở giải này, Khoa giành 4 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. 

Tại ASEAN Para Games 2007, Khoa đủ tuổi để có thể góp công cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. Kể từ đó đến kỳ ASEAN Para Games gần nhất năm 2023 tại Campuchia, Khoa đều đặn mang về cho Tổ quốc những tấm HCV danh giá ở môn bơi.

Anh Khoa (phải) với đôi chân không lành lặn nhưng đã trở thành VĐV khuyết tật đầu tiên hoàn thành nội dung thi cá nhân cuộc đua ba môn phối hợp - Ảnh: NVCC

Anh Khoa (phải) với đôi chân không lành lặn nhưng đã trở thành VĐV khuyết tật đầu tiên hoàn thành nội dung thi cá nhân cuộc đua ba môn phối hợp - Ảnh: NVCC

Tôi luyện trở thành "Người sắt"

Không chỉ tung hoành trên đường đua xanh trong những bể bơi có độ dài 50m, Anh Khoa còn luôn tự thúc đẩy mình vươn ra biển lớn, chinh phục thử thách mới khó khăn. Anh đã từng bơi 20km trên biển cùng với những người bạn để gây quỹ giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp đến, anh thử sức mình ở cuộc thi triathlon (ba môn phối hợp: bơi, đạp xe, chạy bộ).

Kình ngư Anh Khoa bơi giỏi là điều không phải bàn cãi nhưng để thi đấu bơi kết hợp 2 môn thể thao mới là đạp xe và chạy bộ là thách thức lớn đối với chàng trai có dị tật ở chân.

"Mục đích của tôi khi tập ba môn phối hợp là để khuyến khích trẻ thiểu năng trí tuệ tự tin hòa nhập với xã hội và cố gắng hơn mỗi ngày", Anh Khoa tâm sự.

Năm 2018, Khoa cùng với 2 VĐV người nước ngoài giành chức vô địch hạng mục đồng đội tiếp sức nam giải Ironman 70.3 Vietnam. Năm 2022, Khoa tiếp tục vô địch một lần nữa khi thi đấu cùng hai VĐV Việt Nam (không phải người khuyết tật).

Số phận không may mắn từ nhỏ đã giúp Khoa tôi luyện ý chí, khát khao thoát khỏi vùng an toàn và đương đầu thử thách. Anh muốn tự mình trải nghiệm ở cả 3 môn bơi, đạp xe và chạy bộ như những VĐV bình thường.

Vì thế, năm 2023 Anh Khoa lần đầu đăng ký thi nội dung cá nhân giải Ironman 70.3 tại Phú Quốc cự ly Sprint (bơi 750m, đạp xe 20km, chạy bộ 5km). Do bận dạy bơi và tập luyện để thi đấu quốc tế nên Khoa thường tranh thủ tập đạp xe và chạy bất cứ lúc nào có thời gian. Anh tập đạp xe tại chỗ và chạy trên máy chạy bộ.

Anh Khoa chia sẻ: "Thi ba môn phối hợp vui hơn so với khi tôi thi đấu bơi, bởi tôi không chịu áp lực về thành tích. Tôi được thi đấu và giao lưu với các VĐV phong trào bình thường khác, chứng kiến họ vượt qua thử thách và chiến thắng chính mình. 

Tôi muốn xem mình có làm nổi như người nước ngoài hay không. Tôi chưa bao giờ chạy dài đến thế. Quãng đường chạy chỉ 5km, khá ngắn đối với người bình thường nhưng khiến tôi phải mất gần 1 tiếng để hoàn thành".

Anh Khoa (giữa) trong một cuộc thi chạy bộ tại TP.HCM - Ảnh: NVCC

Anh Khoa (giữa) trong một cuộc thi chạy bộ tại TP.HCM - Ảnh: NVCC

Không chỉ thi nội dung cá nhân, cũng tại giải đấu ở Phú Quốc 1 ngày sau đó Anh Khoa còn tiếp tục tham gia thi đấu nội dung đồng đội tiếp sức cự ly 70.3. Nhưng lần này Khoa đảm nhiệm phần thi đạp xe. 

Đội hình thi đấu của Khoa rất đặc biệt khi cả 3 VĐV đều là người khuyết tật: Trịnh Thị Bích Như (bơi), Võ Huỳnh Anh Khoa (đạp xe) và Huỳnh Hữu Cảnh (chạy bộ). Khoa và các đồng đội lập kỷ lục là đội VĐV người khuyết tật đầu tiên ở Việt Nam trong lịch sử hoàn thành cuộc đua tiếp sức cự ly 70.3. Việc Anh Khoa có thể hoàn thành một cuộc thi dành cho "Người sắt" đã truyền động lực cho hàng triệu người khuyết tật về ý chí, nghị lực và tinh thần vượt lên số phận.

Trong tương lai, Võ Huỳnh Anh Khoa ấp ủ dự định thi đấu cự ly full Ironman 140.6 (bơi 3,8km, đạp xe 180km, chạy 42km) để trở thành "Người sắt" như bao người bình thường khác.

Võ Huỳnh Anh Khoa dạy bơi cho trẻ em khuyết tật - Ảnh: NVCC

Võ Huỳnh Anh Khoa dạy bơi cho trẻ em khuyết tật - Ảnh: NVCC

Dạy bơi, truyền cảm hứng cho trẻ em khuyết tật

Tự mình thay đổi số phận nhờ tập thể thao nên Khoa mong mỏi hỗ trợ trẻ em khuyết tật bỏ qua mặc cảm để tự tin hòa nhập cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội. Kình ngư 9X bắt đầu dạy bơi cho trẻ khuyết tật từ năm 2012. Cho đến nay, số học trò đặc biệt này lên đến gần 50 em.

"Dạy bơi cho các trẻ em khuyết tật cần nhất là sự kiên nhẫn. Hôm nay mình truyền đạt kiến thức này nhưng hôm sau các bé có thể quên và mình phải dạy lại. Nước chảy đá mòn, các em tập nhiều rồi cũng thành phản xạ", Khoa kể. Trong lớp học đặc biệt của Khoa có cả những em mắc hội chứng Down, bệnh tâm thần.

Sau ASEAN Para Games 2023, Khoa đã đưa hai VĐV Việt Nam sang Đức thi đấu môn bơi ở giải Special Olympic dành cho các VĐV thiểu năng trí tuệ. Thành tích của các VĐV nhí này là nguồn động viên to lớn dành cho sự nhiệt huyết, tận tâm của thầy Võ Huỳnh Anh Khoa trên đường đua xanh.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, Anh Khoa xúc động: "Nếu không theo thể thao thì giờ này có thể tôi là nhân viên văn phòng ở đâu đó. Thể thao có vai trò rất quan trọng, tạo nên phép màu trong cuộc sống của tôi. Tôi mong mọi người dám ước mơ, dám thực hiện, không vì khuyết tật mà buông xuôi".

https://tuoitre.vn/vo-huynh-anh-khoa-vdv-khuyet-tat-viet-nam-dau-tien-tro-thanh-nguoi-sat-20240218101119553.htm

Tác giả bài viết: Nguồn Sưu tầm

loading...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây