"Biệt đội ươm rừng" ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Thứ hai - 04/12/2023 21:53 44 0

"Biệt đội ươm rừng" ở Phong Nha - Kẻ Bàng

https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/biet-doi-uom-rung-o-phong-nha-ke-bang-20231026212345248.htm

Hằng ngày, họ len lỏi khắp các khu rừng rậm vùng Phong Nha - Kẻ Bàng để tìm kiếm, nghiên cứu nhân giống cây bản địa nhằm bảo tồn những loài thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng

Suốt 10 năm qua, các thành viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (gọi tắt là Trung tâm Sinh vật) Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình vẫn kiên trì, miệt mài vào rừng tìm giống cây quý. Nhờ vậy, việc bảo tồn, nhân giống và trồng các loài cây bản địa, dược liệu để tạo cảnh quan, đem lại giá trị kinh tế cho rừng di sản mang lại nhiều thành quả đáng khích lệ.

Vất vả, gian nan

Những ngày khô ráo, anh Lê Thuận Kiên, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, bảo tồn sinh vật - Trung tâm Sinh vật, thường cùng một số anh em trong đơn vị mang gùi, giỏ, túi đựng dao rựa cùng một ít lương thực, nước uống rồi theo lối mòn vào sâu trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Sáng hôm chúng tôi đến, họ lại vào rừng rậm rồi leo lên đỉnh núi đá vôi ở tận xã biên giới Tân Trạch, huyện Bố Trạch để tìm bách xanh đá - giống cây quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và là loại thực vật cổ sơ của trái đất.

Bách xanh đá được phát hiện tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng từ năm 2005, có giá trị đặc hữu và nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Loài cây này bám rễ trên các vách đá karst cổ, ẩn hiện giữa mây trời ở độ cao cả ngàn mét trên đỉnh những dãy đá vôi. Để đến được đây, nhóm anh Kiên phải mất cả ngày trời trèo lên những mỏm đá tai mèo sắc lẹm, những thân cây mục trơn trượt.

Anh Kiên cho biết quần thể bách xanh đá ở Phong Nha - Kẻ Bàng như một khu rừng cổ tích. Nhiều cây đã 500 năm tuổi, 2 người ôm không xuể, được xem như "hóa thạch sống" của vùng rừng già này. Lạ thay, trên đỉnh núi đá lại tồn tại một loài cây khổng lồ, quý hiếm, có giá trị cao. Độc đáo hơn, bộ rễ ngoằn ngoèo của chúng ôm trùm khối đá lớn, len lỏi uốn lượn đâm vào các hốc sâu.

Theo anh Kiên, vì bách xanh đá hết sức quý hiếm nên Trung tâm Sinh vật rất tâm đắc với việc nghiên cứu, nhân giống, bảo tồn loài cây này. Bách xanh đá được nhân giống bằng hạt hoặc cành. Hạt từ những cây già rụng xuống mọc lên bách xanh đá con và nhóm anh Kiên sẽ đưa ra bầu đất mang về chăm sóc. Vì cây con từ quả rụng xuống rất hiếm nên các anh thường chọn phương pháp nhân giống bằng cành.

Anh Kiên giải thích: "Chúng tôi cắt cành mang về và ngâm thuốc kích rễ, quá trình này kéo dài chừng 1 năm. Sau khi cây ra rễ, chúng tôi cho vào bầu chăm sóc. Tỉ lệ cây ra rễ rất ít, khoảng 20% số cành được giâm hom nên việc bảo tồn bách xanh đá rất gian nan. Loài cây này chỉ thích nghi ở môi trường đỉnh núi, lèn đá".

Biệt đội ươm rừng ở Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 1.

Du khách tham quan vườn thực vật tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẽ Bàng

Anh Trần Mừng - nhân viên Bộ phận Nghiên cứu, bảo tồn sinh vật - là người đã hơn 10 năm lăn lộn trong rừng già để tìm kiếm các giống cây bản địa quý hiếm. Mới đây, anh cùng đồng nghiệp đã trèo lên các đỉnh núi cheo leo lấy giống cây phong lá quế về nghiên cứu, nhân giống.

Anh Mừng không giấu sự tự hào vì là một trong những thành viên lâu năm của "biệt đội" cứu hộ, bảo tồn hàng trăm giống cây quý ở VQG Phong Nha - Kẽ Bàng, nghề mà họ gọi là "ươm rừng".

Theo Trung tâm Sinh vật, việc tìm kiếm, nhân giống các loài cây bản địa quý hiếm ở Phong Nha - Kẻ Bàng tưởng chừng như đơn giản nhưng hết sức vất vả, khó khăn và luôn đối mặt hiểm nguy. Để lấy được giống cây về, nhân viên trung tâm phải lặn lội, bám rừng suốt nhiều năm ròng.

Biệt đội ươm rừng ở Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 2.

Các giống cây bản địa quý hiếm đang được nhân giống, bảo tồn tại vườn thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng

"Bệnh viện phụ sản" của rừng

Vườn thực vật của Trung tâm Sinh vật VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được xem như "bệnh viện phụ sản" của rừng. Tại đây luôn có hàng trăm loài cây quý hiếm được nhân giống, bảo tồn. Trong đó, nhiều loài là cây bản địa đặc trưng như: huê, lim xanh, bách xanh đá, dổi; hoặc có giá trị dược liệu cao như: bò khai, chè dây, giảo cổ lam... Không chỉ nghiên cứu, vườn này còn là "trạm điều dưỡng" các loài thực vật quý hiếm thu được từ lâm tặc.

Vườn thực vật này có một khu dành riêng cho phong lan quý hiếm, chủng loại đa dạng. Theo anh Lê Thuận Kiên, nhiều loại ở đây được "giải thoát" từ các nhóm lâm tặc chuyên khai thác phong lan đưa về phố tiêu thụ. "Khi cứu hộ xong, chúng tôi sẽ đưa một số loài phong lan về lại môi trường tự nhiên" - anh cho biết.

Trung tâm Sinh vật VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đang bảo tồn các giống cây bằng 2 phương pháp chính là giâm hom và vật hậu học. Nhiều loài cây có chu kỳ sinh trưởng không ổn định, có khi năm nay ra hoa kết quả nhưng năm sau lại không. Vì vậy, phải mất nhiều thời gian để theo dõi, lấy mẫu và hạt giống.

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Sinh vật VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết 10 năm qua, vườn thực vật này đã nhân giống và sản xuất được 60.000 cây bản địa thuộc 124 loài để phục vụ việc bảo tồn thực vật, trồng rừng tạo cảnh quan cho rừng di sản. Mới đây, vườn đã nhân giống thành công 5 loài cây bản địa quý hiếm, xếp vào loài đặc hữu, gồm: re gừng, huê mộc, dầu rái, gụ lan và vàng anh. Đây là thành quả sau 2 năm nỗ lực trong công việc của các cán bộ, nhân viên bảo tồn giống cây tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. 

Tác giả bài viết: Nguồn sưu tầm

loading...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây