Ông Lê Trí Huệ là một trong 20 nhân vật đại diện cho các tấm gương chung sức vì TP.HCM trong tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc TP, được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM biểu dương tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM lần thứ XII vừa qua.
Chạy gần cuối đường Vườn Lài (quận 12) tôi tiếp tục rẽ vào con đường Thạnh Lộc 31 để đến với nhà ông Lê Trí Huệ. Không ai nghĩ rằng một khu vực với địa giới hành chính xa trung tâm thành phố, lại chỉ cách Bình Dương có một con sông nhưng đời sống người dân nơi đây tấp nập và khang trang hơn rất nhiều quận, huyện ngoại thành khác.
Đường sá được tráng nhựa phẳng phiu, đủ rộng rãi để các loại xe lớn nhỏ qua lại và người dân nơi đây cũng không sợ ngập nước hay triều cường vì cả tuyến đường đều xây dựng rất cao, tích hợp với các cống rãnh thoát nước.
Đón tôi là ông cụ râu tóc bạc phơ với nụ cười hiền hòa, giòn giã và chân chất vốn có của người nông dân. Ông là Lê Trí Huệ (sinh năm 1934), nay tuy đã lãng tai nhưng ông vẫn minh mẫn, kể cho tôi nghe về quãng đời gắn bó với vùng đất này và quá trình "xẻ một phần xương thịt" cho cộng đồng, quê hương.
Ông Huệ kể trước giải phóng, nơi đây là chiến khu An Phú Đông nên hầu như chỉ có đường mòn liên xã, dân đi lại đoạn nào nhiều thì thành đường theo đúng nghĩa "người ta đi mãi thì thành đường thôi".
Đường đi khi đó xe đạp di chuyển còn khó khăn, chứ chưa nói đến xe máy. Sau ngày thống nhất, vùng này nhập về huyện Hóc Môn, về sau chia tách lại thuộc quận 12 mới bắt đầu mở đường sá chính thức.
Thời gian ấy nơi này vẫn là "vùng trắng" ven đô, người dân có tốp đi nơi khác mưu sinh, nhưng cũng có tốp "bám đất" làm ăn sinh sống và hình thành vùng nổi tiếng về bông lài. Gia đình ông Huệ là một trong những hộ dân quyết tâm bám trụ, gầy dựng lại đất đai, canh tác trồng các loại cây, rau màu.
Nhưng ngay cả khi thành lập quận 12, đường đi vào vùng này cũng rất khó khăn, nhà nào có con em bệnh đau hoặc bầu bì muốn đi viện khó khăn trăm bề, thậm chí bệnh nặng phải khiêng chứ không có phương tiện nào di chuyển được.
"Đám cưới con trai tôi tầm năm tám mươi mấy, phải đi bộ từ nhà gần cả tiếng đồng hồ mới ra tới lộ lớn để bắt xe đi rước dâu, chưa kể khi đó đường bùn, lầy, mọi người phải xắn quần áo lên mà đi", ông Huệ kể.
Mãi đầu những năm 2000, chính quyền TP bắt đầu công cuộc vận động người dân hiến đất mở đường. Không chờ Nhà nước "dân vận" nhiều, ông là một trong những hộ tiên phong, đi đầu trong việc hiến đất của vùng.
Tác giả bài viết: Nguồn sưu tầm
Ý kiến bạn đọc